Đến giờ, hai con người từng đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau ấy đã bước vào tuổi hoàng hôn. Nguyên Giám đốc Công an Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Chuyên án “Cao nguyên F101” - Đại tá Vũ Linh, năm nay đã 90 tuổi, hiện đang sống tại quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Còn nguyên Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro “Hùm xám” Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội Khóa XIII (và Khóa XII) Naria Ya Duck cũng đã bước vào tuổi 76, hiện đang sống tại nơi ông sinh ra và lớn lên là một buôn làng Tây Nguyên thuộc xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Khi nhân ái được đặt lên trên hận thù
Trích bút ký của VÕ KHẮC DŨNG
Đến giờ, hai con người từng đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau ấy đã bước vào tuổi hoàng hôn. Nguyên Giám đốc Công an Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Chuyên án “Cao nguyên F101” - Đại tá Vũ Linh, năm nay đã 90 tuổi, hiện đang sống tại quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Còn nguyên Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro “Hùm xám” Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội Khóa XIII (và Khóa XII) Naria Ya Duck cũng đã bước vào tuổi 76, hiện đang sống tại nơi ông sinh ra và lớn lên là một buôn làng Tây Nguyên thuộc xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Đại tá Vũ Linh tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1925, quê ở Phú Yên - một trong những tỉnh thuộc chiến trường Khu V trước đây. Hơn 60 năm trước, khi chưa nổ ra trận chiến Điện Biên Phủ, Trung ương chủ trương đưa một số cán bộ miền Nam ra Bắc để huấn luyện tình báo. Nguyễn Trọng Cảnh là một trong 5 người ở Phú Yên được chọn. Ngày ấy, từ Phú Yên xuyên rừng ra Việt Bắc mất ròng rã hơn nửa năm. “Đến nơi, áo quần của chúng tôi tơi tả hết, trên người đầy chấy rận. Lớp huấn luyện đã khai giảng được gần tháng, nhưng khi thấy cả 5 người Phú Yên chúng tôi đến được nơi, cả lớp cùng đứng lên vỗ tay reo hò và chúc mừng. Không khí thật ấm áp ngay từ ngày đầu tiên!” - cụ Vũ Linh nhớ lại chuyện băng rừng từ Phú Yên ra Bắc cách nay 62 năm của nhóm 5 chiến sĩ Khu V. Ngày ông ra Bắc, đứa con trai đầu (Nguyễn Trọng Hoàng) chỉ mới 3 tuổi, còn đứa con trai thứ hai chưa đầy một tuổi. Từ chiến khu Việt Bắc, nhà tình báo Vũ Linh là một trong số cán bộ an ninh về tiếp quản Hà Nội vào năm 1954. Trong thời gian công tác tại Hà Nội, nhà tình báo Vũ Linh có quen thân với ông Đức Minh (năm nay đã 86 tuổi, ít hơn ông Vũ Linh 4 tuổi) - người về sau cùng đứng chung trận tuyến chống Fulro Tây Nguyên với ông Vũ Linh. Sau khi về Hà Nội và tiếp tục được đào tạo, năm 1963, người sĩ quan an ninh Vũ Linh (tự Tư Vũ) được đưa về Nam, biên chế trong Tổ Điệp báo trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đứng chân ở chiến trường Nam Tây Nguyên (còn gọi là Tổ Điệp báo A2). Tại chiến trường Nam Tây Nguyên những năm trước 1975, Vũ Linh là một sĩ quan an ninh hoạt động rất hiệu quả. Từ Tổ phó, Vũ Linh được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ A2 và lúc này Tổ A2 được tăng cường thêm một sĩ quan an ninh khác là ông Đức Minh. Sau 1975, vấn đề Fulro trở nên nổi cộm khắp vùng Tây Nguyên. Chuyên án giải quyết vấn đề Fulro Tây Nguyên mang tên “Cao nguyên F101” được lập; Trưởng ban Tham mưu giải quyết vấn đề Fulro - Đại tá Vũ Linh được giao trọng trách Phó ban Chuyên án, người trực tiếp “cầm quân”. Lúc này, nhà tình báo Vũ Linh đã là Phó ty Công an rồi sau đó là Trưởng ty Công an tỉnh Lâm Đồng. Cuộc chạm trán giữa một nhà tình báo dày dạn kinh nghiệm Vũ Linh với một lãnh đạo cao cấp của lực lượng Fulro rất từng trải Naria Ya Duck thực sự bắt đầu. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc chiến có tính chất đòn cân não giữa hai con người này luôn túc trực trong họ.
Khi nghe tôi nhắc về vị sĩ quan an ninh Vũ Linh, Naria Ya Duck lắng giọng: “Nói thật, nếu tôi không gặp được anh Vũ Linh thì không biết cuộc đời mình bây giờ ra sao. Tôi xem anh ấy là người anh còn trên cả ruột thịt của mình. Không có anh ấy, không có tôi ngày hôm nay!”.
Chính cái nhân bản và bao dung trong nhân cách của người sĩ quan an ninh Vũ Linh năm nào đã thuyết phục hoàn toàn người được mệnh danh là “Hùm xám” của núi rừng Tây Nguyên khi chuyên án “Cao nguyên F101” được triển khai và đưa được Đệ nhất Thủ tướng Fulro Naria Ya Duck ra khỏi hang Ploóc Krong giữa đại ngàn Bidoup thuộc huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng để về với đồng tộc, với buôn làng, cộng tác với chính quyền cách mạng, kêu gọi anh em Fulro trong rừng trở về. Thành phần chính của Fulro Tây Nguyên là những ai? Đó chính là những người dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vậy thì trong giải quyết vấn đề Fulro Tây Nguyên, nếu chỉ sử dụng bạo lực vũ trang với những vũ khí tối tân, hiện đại thì còn gì để nói! Vậy nên, phải có cách khác mềm dẻo hơn, triệt để hơn và hiệu quả hơn!
Giải quyết vấn đề Fulro trong những năm sau 1975, nhất là trong quá trình triển khai chuyên án “Cao nguyên F101” (tháng 3-1979), nhà cầm quân dạn dày kinh nghiệm nghiệp tình báo Vũ Linh hầu như không mắc một sai lầm nào, cho dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, quyết định táo bạo của ông được đưa ra lúc đầu khiến có người phải... hoài nghi: Làm thế nào để vô hiệu hóa toàn bộ đầu não Fulro mà không cần đến việc sử dụng vũ khí một cách quá đáng; đồng thời, trả họ về với buôn làng, đồng tộc để họ làm ăn sinh sống như một người dân bình thường của nước Việt Nam độc lập! Cụ Vũ Linh từng tâm sự với nhiều người rằng: “Ở đời, nợ máu khó trả lắm! Cho nên, trong chuyện giải quyết vấn đề Fulro, tôi nghĩ là phải có cách “dụ hổ ra khỏi rừng” để khống chế và thuyết phục họ cộng tác với ta; đồng thời, phải chăm lo cho cuộc sống của họ, kéo họ trở về với đại đoàn kết dân tộc thì mới tránh được hận thù lâu dài”.
“Đặt nhân ái lên trên hận thù” ngay từ đầu, tinh thần ấy đã được quán triệt đến mọi thành viên trong Ban Chuyên án.
Trong lần Công an bắt được hai thân cận của Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro là Đại úy Ha Póh và Thiếu tá Ya Theng, chủ trương cảm hóa đối phương của Phó ban Thường trực Chuyên án “Cao Nguyên F101”, Vũ Linh đã được thử thách và đã được chứng minh là đúng bởi chính người cán bộ cấp dưới Đức Minh. Tôi hỏi cụ Vũ Linh: “Những thân cận của ông Ya Duck có “máu mặt” như Ya Theng, Ha Póh mà được đối đãi tử tế đến vậy, không may bị “phản đòn” thì sao, thưa cụ?”. Ông cười: “Nhà cầm quân khi ra trận chỉ có biết tuốt gươm ra không thôi thì hỏng. Phải biết người biết ta chứ!”. Theo lời cụ kể lại cho tôi nghe thì Ya Theng là một Fulro rất cứng đầu. Nhưng, dưới cách khai thác khôn ngoan của các thành viên trong Ban Chuyên án, trong đó có ông Đức Minh, cuối cùng Ya Theng đã cúi đầu thú nhận tất cả. “Lúc đầu, khi bước vào phòng làm việc của tôi, ông Tham mưu trưởng Quân khu Nam Fulro Ya Theng khá ngỡ ngàng khi nhận ra cách đón tiếp của chúng ta đối với anh ta không hề giống như cách đối đãi với một tù binh. Trên tỉnh tôi quán triệt, anh Đức Minh là người đầu tiên “hỏi chuyện”Thiếu tá Tham mưu trưởng Quân khu Nam Fulro...” - Cụ Vũ Linh kể. Chuyện được ghi lại rằng: Sau khi chờ cho Ya Theng ngồi xuống ghế, đồng chí Đức Minh mỉm cười hỏi: “Chiều nay Ya Theng ăn cơm ngon chứ?”. Ya Theng không trả lời, đôi mắt lừ lừ nhìn vị sĩ quan Cộng sản nói giọng Bắc. Giọng vị sĩ quan vẫn rất nhỏ nhẹ: “Mời anh bạn uống trà, hút thuốc, rồi sau đó ta đàm đạo...”. Ya Theng vẫn thái độ lạnh lùng vẻ bất cần và tiếp tục không hé môi. Một sĩ quan an ninh khác- Thượng úy Nguyễn Văn Độ (lúc ấy là Phó phòng Chống gián điệp, chuyên trách về chống Fulro; về sau là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, hiện đã nghỉ hưu, sống tại Đà Lạt) - tiếp lời: “Có thuốc lá Du Lịch đấy, thứ thuốc mà Ya Theng rất thích... Ya Theng cứ hút tự nhiên rồi chúng ta cùng nói chuyện...”. Sự mềm dẻo, khôn khéo ấy của hai sĩ quan an ninh được hun nóng bởi tinh thần, chủ trương của vị chỉ huy của mình. Hôm ở nhà anh Nguyễn Văn Độ, tôi nghe anh kể lại: “Những ngày đầu tiên đưa ông Naria Ya Duck cùng 9 thuộc hạ của ông về theo chiến dịch câu nhử “Hùm xám” ra khỏi hang, tại biệt thự Đời Tân (nhà khách Công an Lâm Đồng) vào giữa tháng 8-1980, ta phải tốn rất nhiều công sức mới thuyết phục được ông ấy. Ban đầu, ông ấy bảo: “Tôi bây giờ đã trong tay các ông, các ông muốn xử sao tôi cũng chấp nhận, kể cả xử tử”. Lúc ấy, ông Ya Duck tự xem mình là một tù binh của Cộng sản. Rồi, ông Ya Duck nói tiếp: “Nhưng, các ông bắt tôi phản bội đồng đội, phản lại đồng tộc của mình thì không bao giờ...”. Naria Ya Duck còn nói: “Những ngày đầu “rơi vào tay Cộng sản”, chuyện bất hợp tác của tôi suy cho cùng cũng là điều không quá khó hiểu. Trong những ngày đầu ấy, thậm chí có lúc tôi còn... tranh luận với cả ông Vũ Linh. Tôi nói với ông công an thường có nụ cười thâm thúy ấy rằng: “Fulro là con đường do tôi tự chọn. Con đường ấy có thể đúng, có thể sai; nhưng, điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là con đường mà tôi chọn vẫn nhằm để đi đến mục đích cuối cùng là giải phóng các dân tộc Tây Nguyên, để mang lại cơm no áo ấm cho bà con. Như vậy, ngay từ lúc gia nhập hàng ngũ Fulro hồi nửa cuối những năm 1960 thế kỷ trước, tôi tự cho mình cũng là người làm cách mạng, nhưng theo cách của tôi”. Cụ Vũ Linh nhớ lại: “Nghe Ya Duck “triết lý”, tôi chỉ cười thôi chứ không muốn tranh luận. Vì thú thật, tôi “nghiên cứu” ông ấy khá kỹ nên hiểu rõ về vị Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro gốc người Chu Ru Lâm Đồng này. Và cũng thú thật là tôi rất tôn trọng tấm lòng yêu thương của ông ấy đối với đồng tộc của mình, đối với Tây Nguyên của mình...”. Naria Ya Duck nhớ lại: “Các vị biết không, lúc “liều” tranh luận với cụ Vũ Linh điều này, tôi cứ tưởng sẽ nhận được một cái đập bàn nảy lửa; nhưng không, vị cán bộ công an “bên kia chiến tuyến” của tôi vẫn điềm tĩnh mỉm cười và giải thích: “Làm cách mạng là tốt, nhưng con đường mà anh chọn là sai rồi, anh Ya Duck à... Vẫn có con đường khác để anh làm cách mạng, đó là con đường hợp tác với chúng tôi để đưa anh em Fulro lầm đường đang trong rừng sâu đói khát trở về với buôn làng, với đồng tộc, để xây dựng cuộc sống mới...”. Và thú thật, tôi đã rất bất ngờ...”.
Nhiều lần ngồi đối diện với vị đại biểu Quốc hội Naria Ya Duck, tôi không ít lần tự hỏi: Nếu bên ta không có một Đại tá Vũ Linh và bên Fulro không có một Naria Ya Duck thì cục diện về an ninh chính trị ở Lâm Đồng và Tây Nguyên sau 1975 sẽ như thế nào? Rõ là vai trò của họ, hai con người ấy, không hề nhỏ để vấn đề Fulro Tây Nguyên được giải quyết một cách tốt đẹp nhất, mang lại kết quả cao nhất, và đặc biệt là ít đổ máu nhất. Cũng xin được nói rõ, trong giải quyết vấn đề Fulro, chủ trương chung của Tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng, theo chỉ đạo của Trung ương, là phải lấy công tác vận động chính trị làm gốc, kết hợp với việc đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, trong quá trình triển khai “F.101”, Ban chỉ đạo Chuyên án còn huy động được rất nhiều lực lượng trong và ngoài ngành Công an tham gia, trong đó đáng kể là lực lượng quân sự và lực lượng quần chúng đã luôn sát cánh với lực lượng Công an Lâm Đồng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét