Thơ trẻ được xuất hiện bên cạnh thơ già…
Ngày thơ Việt Nam 2017 có nhiều cái mới: Năm nay không có sự phân biệt rạch ròi giữa Sân thơ truyền thống- Sân thơ trẻ nhưng có sân thơ Văn Miếu- sân thơ Thái Học. Cũng vì không phân biệt “thơ trẻ” hay “thơ già” nên ở sân Văn Miếu, người dự hội thấy sự góp mặt của những cây bút tương đối trẻ và mới như Lữ Thị Mai, Bùi Tuyết Mai, Bảo Trân… cũng tự tin góp nên những vần thơ của mình.
Các hoạt động nổi bật của Ngày thơ tập trung ở sân thơ sau, nơi tôn vinh những nhân vật của năm 2016 về thơ ca, trong đó có những tác giả đoạt giải thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Điểm nhấn của sân thơ sau là hoạt động trình diễn các tác phẩm thi họa trên gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ngoài đọc thơ và giao lưu với tác giả tiêu biểu, ở sân thơ sau cũng có các tiết mục ca múa nhạc với nhiều sáng tác được phổ nhạc từ thơ như các tác phẩm “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Thời hoa đỏ”…
Không giống như những năm trước, tức là các nhà thơ lần lượt lên đọc thơ, trình bày thơ của mình, năm nay, bên cạnh bữa tiệc thơ, khán giả cũng có dịp được thưởng thức những câu chuyện hài hước từ những người cầm bút. Không phải là nhà thơ, nhưng nhà văn Chu Lai bất ngờ góp mặt trong ngày thơ với tư cách là người đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2016 với tiểu thuyết “Mưa đỏ”. Chính vì điều “bất thường” này, nhà văn Chu Lai cho biết: “Hôm nay là Ngày thơ Việt Nam nhưng lại có một người viết văn như tôi, nó giống như một tín hiệu sang năm có thể có Ngày văn chương Việt Nam chăng? Và biết đâu con đường thi ca ở phía trước kia lại biến thành... con đường văn chương?”.
Tên ghi là Nguyễn Khuyến nhưng hình ảnh lại là của Phan Thanh Giản
Nhiều “sạn” trong bữa tiệc văn chương
Được coi là một trong những điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam, Triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam cũng được tổ chức. Đây là triển lãm ngoài trời giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo nhất, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được công bố về hoạt động, quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu là hội viên của Hội.
Cũng tại Văn Miếu, lần đầu tiên “Con đường thi nhân” được mở nhằm giới thiệu chân dung, tác phẩm của các nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam. Song tiếc hoạt động này đã không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi người yêu thơ đã phát hiện ra nhiều lỗi kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Cụ thể như tấm pano ghi hai câu thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử “Thơ tôi bay suốt một đời khôn thấu/Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu”, thay vì hình nhà thơ Hàn Mặc Tử thì đó lại là hình nhà thơ Yến Lan. Hay như ảnh của cụ Phan Thanh Giản lại được đưa vào pano của nhà thơ Nguyễn Khuyến… Còn thơ Nguyễn Du cũng bị trích sai thành: “Đời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Câu đúng là: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Và còn nhiều lỗi về con chữ cũng được người yêu thơ bắt lỗi ngay trong ngày hội. Trao đổi với phóng viên về những lỗi sai trên các tấm pano trên “Con đường thi nhân”, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã thừa nhận do thời gian gấp, vội nên đã để xảy ra sai sót…
Ngày Thơ là hoạt động thường niên hằng năm song không mấy năm Ban tổ chức không bị “bắt lỗi” và lý do đưa ra luôn là cập rập quá, thời gian chuẩn bị gấp quá… Nhưng đã 15 năm, tức là 15 lần tổ chức nhưng nếu cứ giữ mãi cách làm việc thiếu chuyên nghiệp như vậy thì đến nàng thơ cũng phải ngậm buồn.
Thanh Ngọc
TP.HCM: Chỉ diễn ra trong ngày 11.2 nhưng không khí tại TP.HCM khá sôi nổi. 25 gian hàng thơ, 20 của CLB các quận huyện, CLB văn thơ các trường đại học. CLB văn học của hội có không gian riêng để giới thiệu tác phẩm, tác giả. Đặc biệt, năm nay, sân thơ trẻ được đầu tư với nhiều hoạt động mang đậm tính tinh thần của những người trẻ. Với cuộc tọa đàm thơ trẻ, sự gặp gỡ giao lưu giữa các sinh viên, học sinh với các nhà thơ trẻ.
Trong hội thơ lần này, các nhà thơ trẻ đều được in porter thơ trẻ giới thiệu những gương mặt thơ mới có năm sinh 1982-1990, những cây bút có nhiều triển vọng cho văn học thành phố như Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Đăng Thanh, Du Nguyên, Hồ Huy Sơn…
Ngay sau tiếng trống khai hội thơ đêm rằm tháng Giêng, ngày thơ diễn ra sôi nổi với phần trình diễn kịch thơ. Kịch thơ là một nét mới tiếp nối thành công của mùa đầu tiên 2016, chủ đề năm nay “Vòng tay mùa xuân” gắn với các hoạt cảnh cùng nội dung các bài thơ về tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa do Minh Đan, Tiểu Quyên và Nguyễn Đăng Thanh trình diễn. Tiếp đến là hơn 10 tiết mục trình diễn, ngâm thơ của Hoài Vũ, Lê Tú Lê, Trúc Phương, Sơn Ý, Nguyên Trân… được đông đảo những bạn thơ, người yêu thơ vỗ tay ủng hộ... H.T
Quảng Nam: Nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và du khách, UBND thành phố Hội An tổ chức nhiều hoạt động trong dịp Tết Nguyên tiêu với nhiều hoạt động đặc sắc như: đêm Phố cổ; đêm thơ Nguyên tiêu chào mừng Ngày thơ Việt Nam; lễ cúng Nguyên tiêu, trò chơi dân gian… Đặc biệt, dịp này diễn ra hội thi “Chúng em hát dân ca và hô hát Bài Chòi” tại Quảng trường Sông Hoài; triển lãm ảnh “Góc nhỏ Hội An” tại Bồn binh An Hội do các nhiếp ảnh gia địa phương thực hiện. Cũng nhân dịp này, TP Hội An cũng tổ chức các trò chơi dân gian bài chòi và đập nồi tại đình Cẩm Phô và trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai trong khu phố cổ để hoạt động trải nghiệm cho du khách tham quan Hội An. Ngày 16 tháng Giêng, tại phường Cẩm Nam (Hội An) diễn ra ngày hội bắp nếp Cẩm Nam lần thứ 4 với các nghi lễ truyền thống nghinh tổ Thần Nông, tế lễ cổ truyền nhằm tri ân tổ nghề, cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt,… Khánh Chi
Nghi thức dâng hương và báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các danh nhân văn hóa đang được phụng thờ tại Văn miếu Trấn Biên
Đồng Nai: Ngày thơ tại Đồng Nai bắt đầu bằng nghi thức văn nghệ sĩ dâng hương và báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các danh nhân văn hóa đang được phụng thờ tại Văn miếu Trấn Biên. Tiếp đó là khai mạc triển lãm hơn 200 tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh của hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai; khai bút viết thư pháp miễn phí tặng văn nghệ sĩ, cùng các đại biểu tham gia ngày thơ và giao lưu thơ, ngâm thơ của văn nghệ sĩ... Trung tâm Văn miếu Trấn Biên phối hợp cùng Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức chương trình “Sân chơi mùa nguyên tiêu” dành cho hơn 200 thanh thiếu niên nhi đồng trong tỉnh. Hoàng Thúy
Cần Thơ: Đêm thơ Nguyên tiêu tại TP Cần Thơ quy tụ gần 70 tác giả, người ngâm thơ, nghệ sĩ và vũ công chuyên nghiệp đến từ các câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ thơ và Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố với 11 tiết mục trình diễn múa, nhạc, thơ và ca cổ, lấy đề tài chủ đạo là trăng, tình yêu quê hương đất nước, ngợi ca Đảng, Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là cảm xúc về Cần Thơ trên đà phát triển, hội nhập. Bằng hình thức sân khấu hóa, đêm thơ giới thiệu đến người yêu thơ những sáng tác thơ hay và những tác phẩm âm nhạc phóng tác từ thơ được dàn dựng hoành tráng, công phu. Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như sáng tác thơ lục bát nhanh, diễn thơ, đố thơ, viết thư pháp, tặng chữ và câu đối thơ, triển lãm sách, báo, ấn phẩm xuân… thu hút hàng trăm khán giả tham gia. Hữu Nghĩa
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét